Nagoya, Nhật Bản
contact.nomudas@gmail.com

Thất Bại Học Của Toyota

Thất Bại Học Của Toyota

Thất bại là không tốt. Đây là thường thức của xã hội khi suy nghĩ về thất bại. Bởi vậy chúng ta thường làm việc với suy nghĩ “không muốn thất bại”.

  • Nếu thất bại sẽ bị cấp trên trách mắng…
  • Nếu gây ra vấn đề sẽ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh…
  • Nếu thất bại sẽ phải gánh trách nhiệm…

Chính vì tưởng tưởng ra những hệ quả kể trên mà trong đầu chúng ta thường có những tư tưởng như:

“Cố gắng làm việc để mọi việc suôn sẻ, không có thất bại”.

“Nếu có thất bại phải giấu đi không thể để bại lộ”.

“Nếu chẳng may gặp vấn đề phải cố tìm cách lảng tránh”

Chừng nào còn suy nghĩ “thất bại là thứ phải tránh” thì chúng ta sẽ cho thấy thái độ muốn trốn tránh thất bại. Nhưng rồi một lúc nào đó, thất bại bị lặp lại, khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Sợ thất bại khiến chúng ta không muốn thử sức với vấn đề khó và những điều mới, khiến bản thân cũng như tổ chức không có sự tiến bộ.

Năm 2015, số lượng xe ô tô Toyota bán ra đã vượt con số 10 triệu chiếc, dẫn đầu ngành sản xuất ô tô của thế giới, lợi nhuận ròng đạt hơn 2000 tỷ yên. Nếu chỉ nhìn vào kết quả này, chúng ta sẽ chỉ thấy được một Toyota xuất sắc với một thành tích tuyệt vời.

Tuy nhiên nếu nhìn lại lịch sử, Toyota không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió. Trước đây, Toyota đã từng có tăng trưởng âm, phải thu hồi xe gây ảnh hưởng đến khách hàng. Năm 2009 – 2010, xe của Toyota gặp vấn đề lớn liên quan tới chất lượng tại thị trường Bắc Mỹ, giám đốc Akio Toyoda đã từng phải tham gia buổi điều trần tại quốc hội Mỹ. Những chuyện kể trên, thông thường sẽ được cho là “thất bại”.

Một công ty lớn đại diện cho Nhật Bản như Toyota trong lúc đang đánh mất những ánh hào quang đã xây dựng được trong quá khứ bởi những vụ việc tai tiếng, tình hình kinh tế bất ổn định, hoạt động kinh doanh bất thường, họ vẫn đang lặp đi lặp lại những điều mà xã hội gọi là thất bại. Nhưng Toyota vẫn có thể phát triển liên tục như ngày hôm nay.

Tại sao vậy?

Chìa khóa để lý giải những bí ẩn này có trong “công xưởng” của Toyota.

Cuốn sách này chọn lọc ra những tinh hoa qua các câu chuyện, lời kể của những người đã từng làm quản lý, giám sát công xưởng của Toyota trong khoảng thời gian từ những năm 1960 đến đầu những năm 2010, sau đó trở thành chuyên gia đào tạo của công ty OJT Solutions (trụ sở tại thành phố Nagoya – tỉnh Aichi). Cuốn sách này được biên soạn để sao cho có thể áp dụng cho cả những doanh nghiệp ngoài Toyota.

Những chuyên gia đào tạo hàng đầu từng là đỉnh cao tại công xưởng của Toyota đã đồng thanh khẳng định: “Trong công xưởng của Toyota, xảy ra rất nhiều vấn đề, sự cố.Tuy nhiên hầu như không bao giờ nghe thấy ai nói đến hai từ ‘thất bại’ cả”.

Đương nhiên, chỉ nhắc đến các sự cố, vấn đề đã xảy ra, trong Toyota có vô vàn thất bại lớn nhỏ. Nhưng ít nhất ở tầm công xưởng, trong Toyota không tồn tại khái niệm “thất bại”.

Nếu bỏ ngỏ thất bại, thì nó sẽ kết thúc đúng nghĩa là “thất bại”. Tuy nhiên, nếu đối diện với thất bại, và cố gắng phát huy chúng thì thất bại sẽ trở thành một phần của quá trình kaizen. Làm được như vậy thì “thất bại” sẽ không kết thúc bằng “thất bại”.

Giả sử có phát sinh sản phẩm lỗi, Toyota không dò tìm để đổ trách nhiệm cho bất kỳ cá nhân nào. Những người tại xưởng sẽ cùng nhau suy nghĩ, cho ra trí tuệ để tìm hiểu xem “tại sao lại phát sinh sản phẩm lỗi?”. Tuyệt đối Toyota không bỏ dở giữa chừng. Toyota truy cứu và tiêu diệt nguyên nhân gây ra vấn đề, không lặp lại lỗi tương tự. Cách làm thành công sẽ được nhân rộng sang những dây truyền, bộ phận khác. Nhờ đó mà tổ chức trở nên vững mạnh hơn.

Trong công xưởng của Toyota, vấn đề và sự cố được xem là “cơ hội để kaizen” giúp công ty tạo ra những sản phẩm tốt hơn.

Kể cả những “thất bại” thông thường thì Toyota cũng không ép buộc ai đó phải nhận trách nhiệm cho những sai lầm đã gây ra.

Đối với nhân viên làm việc trong công xưởng của Toyota, ‘thất bại’ là cơ hội để kaizen, là kho báu để cho ra thành quả trong công việc.

Văn hóa “xem thất bại là kho báu” của Toyota đã ăn sâu vào suy nghĩ tất cả mọi người từ công nhân dưới xưởng cho tới tầng lớp lãnh đạo. Bởi vậy, giả sử có phát sinh những vấn đề ngoài dự tính, Toyota có thể ngay lập tức rút kinh nghiệm và tiến hành kaizen. Qua những lần Kaizen, Toyota tiếp tục xây nên một tổ chức vững mạnh hơn.

Vì vậy, trong công xưởng của Toyota thường sử dụng từ “vấn đề, sản phẩm lỗi, lỗi” thay vì sử dụng từ “thất bại”. Trong cuốn sách này chúng tôi có sử dụng từ “thất bại”, nhưng với ý nghĩa là “thất bại trong quá trình” chứ không phải là “thất bại như một kết quả”. Xin hãy hiểu rõ điều này.

Trong bất cứ doanh nghiệp hay nơi làm việc nào đều xảy ra thất bại. Thất bại là điều không thể tránh khỏi. Khi gặp thất bại, điều cần suy nghĩ là làm thế nào để phát huy điều đã học từ thất bại cho công việc tiếp theo.

Với chủ đề “Thất bại học của Toyota”, chúng tôi xây dựng nội dung trên nguyên tắc bất kỳ doanh nghiệp, ngành nghề nào đều có thể áp dụng. Cuốn sách tổng hợp những suy nghĩ, kinh nghiệm không chỉ người làm việc trong công xưởng mà cả những người làm việc trong văn phòng đều có thể áp dụng.

OJT Solutions là sự tập hợp của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, xuất thân từ Toyota. Chúng tôi không chỉ tư vấn trong ngành sản xuất trong nước Nhật, mà còn mở rộng ra cả những ngành nghề khác như ngành bán lẻ, xây dựng, tài chính, bảo hiểm, thương mại, dịch vụ (cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi xã hội, khách sạn…), công ty sản xuất nước ngoài, và đang cho ra nhiều thành tựu to lớn. Số lượng công ty khách hàng mà OJT Solutions đã tư vấn ước chừng khoảng 300 công ty.

Nội dung cuốn sách tuyệt đối không bó hẹp trong phạm vi chỉ dành cho những doanh nghiệp tầm cỡ như Toyota.

Đối với chúng tôi không còn gì vui bằng việc sau khi đọc cuốn sách này các bạn không còn nghĩ “thất bại” là một điều xấu nữa. Thay vào đó, các bạn sẽ làm việc với tinh thần phát huy thất bại cho công việc tiếp theo, từng bước kích hoạt môi trường làm việc. Chúng tôi hy vọng cuốn sách có thể giúp ích cho các bạn xây dựng được một tổ chức vững mạnh.

Mua ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *