Nghệ Thuật Kaizen Tuyệt Vời Của Toyota
1. Sơ lược về nội dung sách và thông tin tác giả
Tác giả Yoshihito Wakamatsu – sau khi vào làm việc tại công ty Công nghiệp Xe hơi Toyota (tiền thân của công ty Toyota hiện nay), ông đã trải qua nhiều vị trí khác nhau. Cùng với ông Taiichi Ohno, ông đã thực hiện, cải tiến và phổ cập “Phương thức sản xuất Toyota” trong toàn công ty. Cuốn sách là tinh hoa, kinh nghiệm mà ông đã chắt lọc được trong thời gian làm việc tại đây.
Kaizen có thể dịch theo tiếng Việt là “Cải thiện”, nhưng từ này không thể hiện được hết bản chất của hoạt động nên tôi quyết định sẽ giữ nguyên từ kaizen trong cuốn sách. Hoạt động kaizen chỉ phát huy được hiệu quả khi đảm bảo đủ 3 yếu tố sau:
– Cải thiện: Thay đổi cách làm, thay đổi tư duy để đưa ra thành quả, kết quả tốt hơn.
– Duy trì: Kaizen không phải là hoạt động nhất thời, vì làm tạm bợ sẽ chi tạo ra hiệu quả thấp. Thế giới, môi trường xung quanh chúng ta luôn thay đổi vì thế kaizen phải được duy trì để mỗi cá nhân/tổ chức theo kịp sự thay đổi này.
– Tất cả cùng tham gia: Nhiều người lầm tưởng rằng “Kaizen là công việc của giám đốc, cấp quản lý chứ liên quan gì đến nhân viên quèn như anh em mình”. Điều này không đúng, kaizen là tổng hợp sức mạnh của toàn thể nhân viên trong tổ chức. Bởi vì “Trăm người trăn trở hơn một người trăn trở, một người bước 100 bước không bằng trăm người cùng bước một bước”.
Chính vì những đặc trưng riêng như thế mà hoạt động kaizen được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản và là yếu tố quyết sức mạnh công xưởng (nền móng của mỗi công ty).
Theo tác giả, phương thức Toyota luôn coi “số lượng trí tuệ được đưa ra” là yếu tố quyết định thành bại của công ty. Ví dụ, nếu hai công ty cùng lĩnh vực mà sử dụng hai chiếc máy giống nhau thì không có sự khác biệt về hiệu suất của thiết bị sản xuất. Vì vậy, tại Toyota, mỗi chiếc máy đều được trang bị thêm “trí tuệ con người” để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trí tuệ là thứ mà mỗi con người đều có nhưng lại không phải ai cũng thường xuyên sử dụng. Toyota luôn coi trọng việc “đưa ra trí tuệ”, chính thế thế mỗi lần gặp khó khăn với họ đều là một cơ hội quý báu. Cơ hội để nhân viên đưa ra cách giải quyết, và họ sẽ trưởng thành hơn qua mỗi lần như vậy. Đừng than vãn “Mệt quá”, “vất vả quá”, “khó làm quá” mà hãy suy nghĩ xem có cách làm nào tốt hơn không? Làm được điều này nhân viên không chỉ có cảm giác hoàn thành công việc, mà những kaizen tốt sẽ trở thành tài sản quý báu cho công ty. Đương nhiên, khi việc suy nghĩ “làm sao để vượt được bức tường kia?” trở thành thói quen thì cũng là lúc nhân viên đã vượt qua giới hạn của chính bản thân mình.
Năng lực của con người là không giới hạn. Những vận động viên tầm cỡ thế giới chính là minh chứng cho điều này. Họ học hỏi, rèn luyện không ngừng để phá vỡ từng kỷ lục của bản thân hay cũng có thể nói họ đã kaizen. Kaizen thường xuất phát khi chúng ta gặp vấn đề, gặp khó khăn, thách thức mà không thể tìm ngay được câu trả lời. Những người luôn mang suy nghĩ “liệu có vấn đề gì không? Liệu mình có thiếu sót gì không?” sẽ bắt tay vào làm thử, thay đổi thử và họ sẽ tạo được sự khác biệt với số còn lại.
2. Những bài học từ sách
Cuốn sách là một kho những bài học kaizen hữu ích để thay đổi bản thân của mỗi cá nhân, để nâng cao năng lực cho tổ chức. Ví dụ, đối với mỗi cá nhân thì “Đừng bỏ qua lỗi lầm của bản thân dù là nhỏ nhất”, “Câu trả lời phải do tự mình tìm kiếm”, hay đối với tổ chức thì “Công đoạn trước là ân nhân, công đoạn sau khách hàng”, “Công việc không phải là thứ được thực hiện bởi quyền lực”…
3. Làm sao để vận dụng những bài học này
“Học luôn phải đi đôi với hành” đây cũng là nguyên tắc căn bản của kaizen. Bạn không thể chỉ xem xong rồi bỏ đấy. Rất nhiều ví dụ có thể ứng dụng được ngay như cách dọn dẹp, sắp xếp (Seiri – Seiton) bàn làm việc để mang lại hiệu quả cao hơn. Nhận diện lãng phí trong các hoạt động thường nhật để loại bỏ. Và đặc biệt hãy tập suy nghĩ “Liệu có cách làm nào tốt hơn không” để thay đổi chính tương lai bạn.
4. Những người nên đọc sách này
Sách giới thiệu khá nhiều những ví dụ kaizen sinh động, đi kèm ảnh minh họa nên rất dễ áp dụng. Không chỉ hữu ích với những độc giả đã đi làm mà còn ứng dụng được cả với các bạn sinh viên để thay đổi suy nghĩ và phong cách làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
5. Mục lục
Chương 1: Điểm mấu chốt khi “loại bỏ lãng phí” để kaizen công việc
Chương 2: “Thay đổi tư duy” để kaizen bản thân
Chương 3: “Trực quan hóa” để kaizen tổ chức
Chương 4: “Xoay vòng kaizen hiệu quả” để cải thiện tương lai